Quần quật biến hơn 5 ha đất nhiễm bom mìn thành đất trồng trầm dó, cây cảnh và nuôi nhím, lão nông Phạm Quốc Trai (56 tuổi) ở khu Đá Bạc, Thừa Thiên Huế đã có trong tay tài sản triệu đô.

Thời trai trẻ, ông Trai được coi là người thông minh nhất nhì ở huyện Phú Lộc. Ông được bầu giữ chức lãnh đạo Phòng Văn hóa thông tin huyện từ khi còn rất trẻ và là một trong số ít người của huyện thi đậu vào đại học thời đó nhưng đành bỏ dở con đường khoa bảng bởi huyện giữ lại để phục vụ địa phương. Tag: Thu mua nong san

Năm 1985, khi đường quan lộ đang rộng mở thì đùng một cái ông quyết định từ quan trở về quê làm kinh tế. Bạn bè, gia đình hết lời khuyên ông ở lại nhưng ông vẫn nhất quyết về. Nhiều người bảo ông “có vấn đề” bởi cán bộ thì không làm mà lại về làm nông dân chân lấm tay bùn để ôm cực nhọc vào thân.

Sau ngày về nhà, ông quyết định ra vùng Đá Bạc nằm ven đầm Cầu Hai khai hoang lập vườn. Ngày đó, vùng đất này không khác gì một ốc đảo bởi bốn bề bị bao vây bởi đầm phá, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Nhưng nan giải nhất là vùng này đá nhiều hơn đất, chứa nhiều bom đạn thời chiến tranh sót lại.


Vườn trầm dó tiền tỷ của lão nông giàu nhất vùng. Ảnh: Trần An.

Nhưng với quan niệm “người phụ đất chứ đất không phụ người”, ông Trai không nhụt chí trước sự khắc nghiệt, cằn cỗi của đất đai. “Vợ chồng tui kiên trì phá từng tảng đá, học hỏi kỹ thuật để gỡ từng quả bom mà lấy đất. Sau 10 năm ăn rau, sắn phá đá, gỡ bom mìn, vợ chồng đã khai khẩn được 5 ha đất sản xuất”, ông Trai kể lại kỳ tích của vợ chồng mình. Tag: Kinh doanh nong nghiep

Khi đã có đất, ông bắt tay vào trồng trầm dó, cây cảnh và nuôi nhím. Để phát triển các mô hình kinh tế này, ông phải khăn gói đi khắp nơi trong nước để học hỏi kinh nghiệm. Chính những chuyến đi kéo dài hàng năm trời này đã đưa lại cho ông rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu để phát triển kinh tế. Rồi ông bắt tay vào việc mua cây dó bầu về trồng để tạo trầm và lập vườn ươm loại cây này ngay tại nhà.

Vườn ươm của ông nhanh chóng được giới trồng trầm dó khắp nơi tìm đến mua cây giống. Về tạo trầm, ông không tạo bằng cách làm truyền thống là khoan lỗ trên cây rồi đưa chất xúc tác vào, mà tạo bằng cách riêng của mình. Theo đó, ông cứa vào thân loại cây này để trầm tự tích tụ và cho ra những phiến trầm chất lượng cao. “Ngoài vườn ươm, rừng trầm dó của tui đã có gần 12.000 cây đã tạo trầm và đang ở thời kỳ thu hoạch với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng”, ông Trai kể.

Không chỉ là “vua” trầm của khu vực miền Trung, ông Trai còn được nhiều người biết đến bởi trang trại nuôi nhím quy mô lớn nhất tỉnh đến thời điểm hiện tại. Cơ duyên khiến ông mở trang trại nuôi nhím là do lần vào TP HCM thấy hai cha con nông dân làm ra một năm hơn 2 tỷ đồng từ nuôi nhím nên xin học hỏi kinh nghiệm.

Về quê, ông xây dựng trang trại rồi thả nuôi 9 cặp nhím. Đến nay, trang trại nhím của ông đạt quy mô lớn nhất tỉnh với hơn 50 cặp nhím bố mẹ đang trong độ tuổi sinh đẻ, chưa kể nhím thịt. “Mỗi năm một cặp nhím đẻ 2-3 lứa, mỗi lứa được từ 1-3 con. Mỗi cặp nhím mới sinh bán được 10 triệu đồng. Về nhím thịt, mỗi tháng một con nhím lớn thêm 1kg, mỗi kg bán với giá từ 800 đến 1,2 triệu đồng”, ông Trai tiết lộ.

Nhím thịt và nhím giống của ông được xuất đi nhiều nơi ở trong và ngoài nước, nhất là thị trường T.Quốc. Tổng thu nhập từ mô hình này của ông lên hơn 1 tỷ đồng/năm.


Mô hình nuôi nhím của lão nông triệu đô. Ảnh: Trần An.
Ông Trai còn là người trồng cây cảnh nổi tiếng một vùng. Vườn cây cảnh của ông được khách khắp nơi tìm đến mua, nhiều cây được mua với giá 200 triệu đồng.Thành công trong sản xuất với tài sản lên tới triệu đô, ông Trai đã giúp đỡ người nghèo trong vùng, phổ biến kinh nghiệm trồng trầm, nuôi nhím cho các hộ dân này. Lúc đầu dân trong vùng không ai mặn mà vì các mô hình này đòi hỏi phải có vốn lớn và phải am tường về kỹ thuật. Nhưng rồi sự giúp sức của ông Trai cả về kỹ thuật lẫn vốn, các hộ dân nghèo đã tự tin mở trang trại trồng trầm và nhím trên những bãi đất vốn bỏ hoang bao đời nay.

“Phát triển các mô hình này không khó, nó còn giúp nhà tui tận dụng các thức ăn sẵn có, trong khi lợi nhuận lớn gấp nhiều lần so với các cây trồng và vật nuôi khác. Nhờ đó mà nhiều gia đình nghèo trong vùng đã trở thành triệu phú, tỷ phú”, ông Mai, một trong hàng chục người nghèo được ông Trai hỗ trợ vốn và kỹ thuật phấn khởi.

Mô hình kinh tế của ông Trai còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động nghèo địa phương với thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. “Thấy bà con phát triển các mô hình thành công, tui mừng lắm. Với tui việc giúp đỡ người nghèo vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm”, ông Trai khẳng định.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho ông Trai xây dựng khu du lịch sinh thái có tên “Gió mai” trong trang trại của mình. “Đây sẽ là điểm tham quan hấp dẫn của du khách thập phương trong vài năm tới. Nhưng quan trọng nhất là khi khu du lịch này ra đời sẽ có thêm nhiều người dân được tạo việc làm để thoát nghèo”, ông bộc bạch.

Nguồn:vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/lao-nong-trieu-do-xu-hue-2183162.html