Một bản tin trên báo chí đăng tải, liên tiếp ba ngày, từ ngày 10 đến ngày 12.7, hơn 100 công nhân Cty TNHH Eclat Fabrics (100% vốn nước ngoài, đóng tại KCN Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu) ngưng việc tập thể. Lý do chủ yếu của việc công nhân ngưng việc là yêu cầu được làm việc tăng ca quá quy định.

Cụ thể, trước đây, công ty tăng ca 100 giờ/tháng nên thu nhập của công nhân 9 triệu đồng/tháng. Hiện nay, thời gian tăng ca của công ty giảm nên thu nhập của công nhân giảm xuống còn 6 triệu đồng/tháng. Công ty lý giải, trước đây công ty tăng ca 100 giờ/tháng là do có nhiều đơn hàng gấp và “người lao động mong muốn”. Cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, công ty giảm giờ tăng ca là đúng vì Luật chỉ cho phép tăng ca không quá 300 giờ/năm.

Chẳng biết người khác thế nào, chứ cá nhân tôi, khi đọc được bản tin này, tôi thấy chạnh lòng, nói đúng hơn là buồn. Tăng ca 100 giờ/tháng, tức là 1.200 giờ/năm, gấp 4 lần quy định về thời gian tăng ca mà pháp luật lao động cho phép.

Tôi dám chắc, khi cơ quan chức năng thông báo với công nhân rằng, công ty giảm giờ tăng ca là đúng bởi luật không cho phép tăng ca nhiều là để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Mục đích của Luật là vậy nhưng chắc chắn khi được giải thích, người lao động sẽ chẳng lấy gì làm vui vẻ, trái lại sẽ còn tỏ ra buồn bực.

Người lao động bức xúc là điều dễ hiểu. Bởi họ không nghĩ nhiều tác hại về sau, khi 40 tuổi, cơ thể sẽ rệu rạo vì phải làm việc ngày đêm, phải nghỉ việc sớm vì sức khỏe không đảm bảo. Họ buồn vì trước mắt tiền lương giảm, tức là nồi cơm ở nhà sẽ phải nấu ít đi, chỗ ở sẽ phải thu hẹp lại, lùi vào sâu một tí để giảm tiền nhà, con phải bớt đi một hộp sữa… Tăng ca 100 giờ/tháng, tôi dám chắc, họ đã phải dốc hết sức lực của mình mới có thể kiếm được 9 triệu đồng/tháng. Thế nhưng họ sẵn sàng đánh đổi vì trên vai họ còn có con, sau lưng họ còn có bố mẹ già…

Một người chị tôi quen, vốn là công nhân về hưu ở tuổi 40 vì sức khỏe không đảm bảo, tay không còn nhanh, chân không còn khỏe, mắt không còn tinh để theo kịp đội trẻ. Chị bảo: “Ngày còn trẻ cũng ham tăng ca, bất chấp sức khỏe, ăn uống thiếu thốn chỉ để thu nhập của mình tăng thêm được chút đỉnh. Hồi ấy, công ty không tăng ca, chị và những người khác cũng ngừng việc phản đối công ty, mà không nghĩ rằng, chính tiền lương cơ bản quá thấp mới là căn nguyên của mọi việc”.

Chị bảo, nếu tiền lương cơ bản cao thêm được một chút, đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, chị sẽ không tăng ca đâu, chị sẽ về nhà, đón con, nấu một bữa ăn và chơi với con. Nhưng chị cứ mải miết tăng ca, đi sớm về khuya, con cái gửi trẻ, gia đình cả tháng chưa bao giờ được một bữa cơm đủ mặt thành viên. Tất cả chỉ vì lương cơ bản thấp quá, không tăng ca, không đủ sống!

Theo khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam về mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của người lao động cho thấy: 22,7% hài lòng, 52,4% tạm hài lòng, 24,9% không hài lòng; 54,0% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.

Đọc khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nghe câu chuyện của chị công nhân tuổi 40 đã về hưu, đọc thông tin của công nhân Cty TNHH Eclat Fabrics ngừng việc đòi… tăng ca, có ai chạnh lòng về đồng lương của công nhân không?

Nguồn: Báo Lao Động