Theo thống kê, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần nam giới. Có tới ¼ người bệnh có triệu chứng trước 30 tuổi nhưng hầu hết các trường hợp thường xảy ra trong nhóm tuổi từ 40-50 tuổi. Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm trong đó các màng hoạt dịch ở một số khớp xương trở nên dày và viêm dẫn đến các triệu chứng tấy đỏ, đơ cứng và sưng đau các khớp. Phần viêm lan dần đến phần xương bên dưới, làm cho xương mòn và biến dạng. Thông thường, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ở bàn tay nhưng cũng có thể xảy ra ở cổ, cổ tay, đầu gối và mắt cá chân. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra một nguyên nhân cụ thể nào của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Gây biến dạng khớp, giảm khả năng vận động

Bệnh viêm khớp dạng thấp gây hủy hoại nhiều khớp với tính chất đối xứng khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn khi vận động. Do hậu quả của viêm màng dịch nên các sụn khớp và đầu xương có thể bị bào mòn. Nếu không được điều trị tốt thì các tổn thương ở sụn khớp sẽ ngày càng nặng, làm cho các khe khớp dần dần hẹp lại, các đầu xương dính lại với nhau gây biến dạng khớp, dính khớp, làm mất chức năng khớp.

Theo các nghiên cứu, có khoảng 90% người bệnh viêm khớp dạng thấp bị cứng khớp, bàn tay khó nắm, vận động bị hạn chế. Các biến chứng nghiêm trọng hơn như teo cơ, biến dạng khớp, dính khớp, thậm chí tàn phế có nguy cơ xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh. Có tới 44% người bệnh mất chức năng vận động bình thường và 16% bị mất chức năng nghiêm trọng sau 5 năm. Sau 10 năm bị bệnh, có khoảng 10-15% số người bệnh bị tàn phế, không thể tự sinh hoạt bình thường. Đây là những biến chứng tại khớp cơ bản nhất nếu bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp không được điều trị tốt. Ngoài ra, bệnh lý xương khớp này cũng gây các biến chứng nguy hiểm đến các cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể.



Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Người ta thường nói bệnh khớp đớp vào tim là bởi viêm khớp có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch gấp 4 lần. Các nghiên cứu cho thấy, có tới 30% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có biến chứng về tim mạch và 50% số ca bị biến chứng này có thể dẫn tới tử vong. Những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có nguy cơ đột tử do bệnh mạch vành cao hơn so với những người không bị bệnh



Bệnh phổi

Những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp không được điều trị kịp thời rất dễ bị mắc phải các bệnh phổi mạn tính như tăng áp phổi, xơ mô kẽ phổi. Theo thống kê, có khoảng 10-20% số người bị viêm khớp dạng thấp sẽ phát triển bệnh phổi mãn tính vào thời điểm nào đó trong cuộc đời.



Bệnh thận

Bệnh viêm khớp dạng thấp không có ảnh hưởng nhiều lên thận nhưng các thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp lại có thể gây ra các thương tổn cho thận, đặc biệt là khi bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Viêm mạch máu

Viêm mạch máu là hiện tượng viêm mạch gây ra những thay đổi trong thành của các mạch máu, bao gồm dày lên, suy yếu, thu hẹp và sẹo, tác động đến nhiều cơ quan khác nhau. Biểu hiện của viêm mạch máu gồm có lở miệng, bệnh dây thần kinh, sự suy giảm chức năng đột ngột của phổi, viêm các động mạch nuôi ruột non mà viêm khớp dạng thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây nên biến chứng này.
Gây khó thụ thai

Tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp 2 - 3 lần nam giới trong đó 25% phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp gặp khó khăn trong việc thụ thai. Đây là kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí “Viêm khớp và Thấp khớp” của Đan Mạch. Những sản phụ bị viêm khớp cũng có nguy cơ sinh non tăng cao hơn bình thường.



Nhiễm trùng

Người bệnh viêm khớp dạng thấp rất dễ bị nhiễm trùng do sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, đặc biệt là khi điều trị bằng các thuốc kháng viêm.

Bệnh về da

Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp thường gặp các vấn đề về da được thể hiện ở ngón tay và vùng dưới móng. Các thương tổn có thể là mảng hồng phát ban, loét da, phồng rộp da, tạo nên các khối cứng dưới da, đặc biệt là ở khu vực gần các khớp.

Ngoài ra, đối với những người ở tuổi vị thành niên, viêm khớp dạng thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung cơ thể, đặc biệt là hệ xương khớp.

Hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này, mọi sự điều trị đều nhằm giảm viêm đau khớp và ngăn ngừa tổn thương khớp. Cách tốt nhất là bệnh nhân kết hợp điều trị giữa thuốc và các bài tập tăng cường cơ bắp hỗ trợ quanh khớp cũng như chế độ dinh dưỡng, tập luyện thật tốt để phòng tránh căn bệnh này.