Bệnh sa sút trí tuệ là hiện tượng suy giảm về chức năng nhận thức và trí tuệ làm giảm khả năng của các hoạt động sống. Bệnh lý này khá phổ biến đối với người lớn tuổi.

Đối tượng có khả năng mắc hội chứng sa sút trí tuệ cao bao gồm: bệnh nhân mắc Alzheimer, thừa cân, béo phì, huyết áp cao (đặc biệt là liên quan đến thoái hóa thần kinh, bệnh teo não, bệnh suy giảm trí nhớ), huyết áp thấp, tiểu đường, bệnh tim mạch, mỡ máu, nghiện rượu bia. Đặc biệt khi tuổi càng lớn, nguy cơ sa sút trí tuệ càng tăng lên.

Đặc trưng nổi bật nhất của chứng sa sút trí tuệ là sự giảm khả năng về nhận thức khi ý thức vẫn bình thường và loại trừ trường hợp rối loạn nhận thức bán cấp hoặc cấp có thể phục hồi như mê sảng, bệnh trầm cảm. Chứng sa sút trí tuệ được chia thành 3 giai đoạn phát triển với những biểu hiện như sau:

1. Giai đoạn đầu



Ở giai đoạn đầu khi bệnh mới khởi phát, bệnh nhân sẽ xuất hiện những biểu hiện như: giảm trí nhớ gần hoặc trí nhớ ngắn hạn. Bệnh nhân có thể quên ngay những gì mình vừa nói hay nhắc lại nhiều là một câu nói cách nhau chỉ vài phút. Quên vị trí của đồ dùng, vật dụng cá nhân. Thậm chí họ quên những từ ngữ thường sử dụng nên thường diễn đạt ý kiểu vòng vo.

Ngoài ra bệnh nhân sa sút trí tuệ giai đoạn đầu cũng bắt đầu gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Họ có những thay đổi về tính cách, nhân cách, cảm xúc rối loạn, giảm khả năng nhận xét, phán đoán. Có người khó tính hơn bình thường, dễ nổi cáu và kích động, la hét với những chuyện không đáng. Tuy nhiên các hoạt động xã hội của họ vẫn diễn ra khá bình thường. Trí nhớ có thẻ bù đắp nếu họ được sống ở những môi trường quen thuộc.

2. Giai đoạn phát triển trung gian

Ở giai đoạn này mức độ bệnh đã nặng hơn so với giai đoạn đầu, bệnh nhân không thể hoặc khó thực hiện những công việc hàng ngày đơn giản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo… Khả năng tiếp nhận thông tin bị ảnh hưởng nghiêm trọng, biểu hiện là mất định hướng về không gian thời gian, dễ lạc đường. Những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể mắc chứng hoang tưởng hoặc hoang tưởng bị ám hại dẫn đến sợ hãi, nghi kỵ những người xung quanh thậm chí là người thân của mình.

3. Giai đoạn bệnh nặng

Đến giai đoạn này, người bệnh của hội chứng sa sút trí tuệ dường như phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác trong những hoạt động thường nhật (ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại…). Họ không nhận biết được chính những người thân trong gia đình mình, mất khả năng vận động phản xạ thông thường như nuốt có thể dẫn đến rối loạn dinh dưỡng, sặc khi ăn, bệnh phổi. Đối với các trường hợp không thể đi lại, nằm liệt giường dẫn đến loét và vữa da.

Chứng sa sút trí tuệ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao do hiện tượng nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, may mắn là sự phát triển của bệnh có thể chậm lại nếu bệnh nhân được chăm sóc đầy đủ.