Theo Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP.HCM, việc rà soát tất cả các dự án hiện đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất, trong thời gian từ 2016-2020, được thực hiện theo Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ, với sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Sở TNMT đã phối hợp với 24 quận huyện, tiến hành rà soát 2.758 dự án, đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Qua rà soát, căn cứ vào các quy định của pháp luật về đất đai và sự chỉ đạo, lãnh đạo của UBND TP, xác định có 215 dự án liên quan tới vấn đề chậm triển khai.

Trong báo cáo đề xuất, UBND TP giao Sở TNMT, trong quý IV, tức là từ nay tới tháng 12/2018, phải tập trung đề xuất xử lý luôn 215 dự án này, vì có dấu hiệu chậm triển khai so với yêu cầu.

Bên cạnh đó, Sở TNMT cũng được UBND TP.HCM giao rà soát lại các chính sách về bồi thường, trình UBND TP.HCM điều chỉnh. Mục tiêu là tăng cường công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn Thành phố.


Song song đó, UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở TNMT rà soát lại 85 dự án bất động sản ở huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Thành phố nhận xét và yêu cầu Sở TNMT lập tổ công tác để rà soát lại và xem xét thu hồi với các dự án không thể triển khai, không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền phá vỡ quy hoạch.

Trong số 85 dự án tại huyện Nhà Bè đang còn hiệu lực triển khai, có đến 26 dự án chưa khởi công; 28 dự án đang thực hiện các khâu giải tỏa đền bù, san lấp mặt bằng và xây dựng công trình. Thậm chí, có những dự án mặc dù đã giải tỏa đền bù được 80-90% nhưng vẫn chưa thể triển khai, như dự án khu đô thị tại xã Phước Lộc do Công ty Tân Hải - Đại Nhân làm chủ đầu tư rộng 70ha…

Xem thêm: Thuê nhà trọ quận 8 giá tốt

UBND TP.HCM yêu cầu UBND quận, huyện giúp Sở TNMT, không để kéo dài tình trạng này thêm. Bởi vì có những dự án giao cho chủ đầu tư nhưng kéo dài không chấp nhận được. Sở TNMT phải rà soát các dự án chậm triển khai và phải thực hiện xong trong quý 3/2018 để báo cáo cấp có thẩm quyền. Sở Quy hoạch Kiến trúc phải rà lại một số quy hoạch chứ không thể chấp nhận những quy hoạch kéo dài nhiều năm mà không triển khai được rồi để người dân khổ.

Nguyên Minh

Theo Nhịp sống kinh tế