Hơn một năm qua, vườn cây ăn quả miền Nam trên 5ha đất lúa chuyển đổi của chị Hồ Thị Lộc, anh Hồ Đình Hải (thôn Đông Gia, xã Đại Minh, Đại Lộc) và anh Nguyễn Tổng (quê Đồng Nai) là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều cán bộ, nông dân, đang hứa hẹn vụ mùa bội thu.


Lấy ngắn nuôi dài

Cuối năm 2017, chị Hồ Thị Lộc, anh Hồ Đình Hải và anh Nguyễn Tổng đã bỏ tiền thuê 8.000m2 đất lúa 5% của xã Đại Minh và 2.000m2 đất của một số hộ khác rồi đưa cơ giới vào cải tạo đất, đánh kênh mương chống úng, chống hạn cho cây trồng, đào hố, xử lý đất... Từ kiến thức, kinh nghiệm miệt vườn của anh Nguyễn Tổng, các chủ hộ bỏ vốn mua hơn 5.000 gốc cây ăn quả đủ loại như chôm chôm, xoài, dừa, mãng cầu xiêm, mãng cầu na, mận, bưởi da xanh, mít, bưởi năm roi... miền Nam về trồng. Trong đó, diện tích ổi lê Đài Loan chiếm phần nhỏ, cho thu nhập lứa quả đầu tiên 600kg và lứa quả thứ hai chuẩn bị xuất vườn. Đây là giống ổi cho năng suất cao, 6 tháng cho trái sai, trung bình mỗi gốc ổi trưởng thành có thể cho năng suất hơn 1 tạ quả/năm. Tranh thủ các bóng cây chưa khép tán, họ trồng xen bí đao chanh, dưa leo, dưa gang, khổ qua và đã thu về hàng tấn quả; cùng với đó thả cá, chăn nuôi, trồng rau, dự kiến thả sen vào các mương rạch... Tag: thuoc thuy san

Bà Lê Thị Hòa (63 tuổi, mẹ ruột chị Lộc và anh Hải) chia sẻ, tuy nguồn thu chưa đáng kể, song cũng tạo khoản phụ thu lấy ngắn nuôi dài. “Hàng tấn dưa gang, dưa leo, khổ qua, bí đao đã xuất đi, rồi thương lái cũng đến tận vườn thu hoạch ổi. Người dân và du khách xa gần còn lội tới tận vườn tham quan, tự hái trái, quả sử dụng. Không chỉ tạo thu nhập từ vườn, gia đình tôi còn trồng rất nhiều dừa xiêm, dừa nước, sẽ thả sen, chăn nuôi để con cháu, du khách xa gần có dịp trải nghiệm ở lại nhà vườn những ngày nghỉ, dịp cuối tuần”. Anh Nguyễn Tổng là người khởi xướng, bám vườn cả năm nay. Ban đầu, nhiều người hoài nghi về mô hình khi thấy quy mô quá lớn, công sức cải tạo đất, khâu xuống giống quá kỹ, vốn liếng bỏ ra quá lớn, chưa kể cây ăn quả trồng trên đất lúa thì dễ ngập úng... Nhưng rồi ai nấy hiểu ra khi anh Tổng và người thân bỏ công nạo vét mương sâu 7 tấc chống úng, chống hạn cho cây, đào giếng, lắp hệ thống tưới tự động... Còn kỹ thuật, đã có anh Tổng lo liệu. Anh Tổng còn có ý tưởng tạo cây giống sạch bệnh, chất lượng để cung ứng xa gần. “Nhiều vườn không thành công là do khâu chọn giống. Vì lẽ đó, vườn của tôi cũng hướng tới sản xuất giống chuẩn khi đã đi vào ổn định” - anh nói. Tag: vi khuẩn vibrio

Hướng tích tụ ruộng đất

Có thể nói, mô hình vườn cây ăn quả thâm canh trên đất lúa chuyển đổi này là mô hình tích tụ ruộng đất bước đầu ở thôn Đông Gia, xã Đại Minh. Theo anh Nguyễn Tổng, bôn ba khắp nơi, anh nhận thấy nếu chỉ độc canh cây lúa, nông dân cũng khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Nhẩm tính, mỗi gốc ổi Lê Đài Loan sẽ cho năng suất hơn 1 tạ, với giá bình quân 15 nghìn đồng/kg, mỗi cây cho 1,5 triệu đồng, với khu vườn ổi cả mẫu thì hiệu quả có thể thấy được. Giống mận miền Nam có năng suất rất cao, mỗi cây mận ít nhất phải cho năng suất gấp đôi lần mỗi cây ổi. Song việc chuyên canh cây ăn quả cũng không phải dễ, đòi hỏi nông dân phải thâm canh, nắm kỹ thuật, công nghệ và chịu đầu tư. Bởi nếu thiếu đầu tư thì sào đất lúa vẫn mãi là sào đất lúa, hiệu quả thấp do đất bạc màu, không chủ động được nguồn tưới. “Nếu được hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ nhà nước và sự hợp tác từ người dân, chúng tôi sẽ có điều kiện phát triển mô hình, tạo miệt vườn Nam bộ giữa xứ Quảng” - anh Tổng nói. Còn theo anh Hải, chị Lộc, đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi nhờ có sẵn mối quen và tranh thủ các kênh bán hàng online, ship hàng tới tận nơi theo yêu cầu của khách. Dự kiến, mấy nghìn gốc cây ăn quả sẽ cho thu nhập vào dịp Tết Nguyên đán 2019, hứa hẹn vụ mùa bội thu...

Theo ông Lê Quang Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh, mô hình trồng cây ăn quả trên đất lúa chuyển đổi trên là hướng đi mới trong việc tăng giá trị, năng suất của vùng đất lúa bạc màu, kém hiệu quả. Dù vẫn còn sớm để đánh giá về hiệu quả mô hình, song địa phương đánh giá cao về sự đầu tư cũng như sự dám nghĩ, dám làm của các nông dân. Xã khuyến khích tạo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng cường liên kết tạo sự ổn định về đầu ra sản phẩm. Cùng với đó, sẽ nỗ lực tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ mô hình, khai thác tối đa quỹ đất 5% còn lại của xã.

Nguồn: 2lua.vn/article/vuon-cay-trai-tren-dat-lua-5bc01e2e425cc5824cfecdbd.html