Dù đã vào thời điểm cuối mùa dịch 2018-2019, nhưng thời gian gần đây, ở các tỉnh, thành phố phía Nam bệnh sốt xuất huyết (SXH) chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bệnh sởi vẫn tiếp tục gia tăng.


Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca mắc SXH đang điều trị tại các cơ sở y tế tại TPHCM có chiều hướng gia tăng nhanh: Từ đầu năm đến ngày 10/2, chỉ tính riêng tại thành phố đã có 6.067 trường hợp phải nhập viện điều trị SXH, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lo ngại, các ca mắc là người lớn, do chủ quan, lơ là đã để lại hậu quả nặng nề với những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đã có 1 trường hợp tử vong. Hiện số ca mắc SXH ở trẻ em và người lớn tại TPHCM tương đương nhau về số lượng.

Còn tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, những ngày Tết Nguyên đán 2019 luôn quá tải do bệnh nhân mắc SXH vào khám và điều trị tăng cao. Thời điểm này cùng kỳ các năm trước, trung bình có 30-40 bệnh nhân điều trị, thì năm nay lên đến 50 bệnh nhân, vì thế những dãy hành lang cũng được kê thêm giường cho bệnh nhân.

Còn theo thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, trong tháng 1, BV tiếp nhận 1.690 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều bệnh nhân SXH không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng. BV đã ghi nhận 1 ca người lớn tử vong do SXH, 4 trường hợp nặng phải thở máy, lọc máu. Tag: Cong ty diet con trung

Ngoài các bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị, BV cũng tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân điều trị ngoại trú mỗi ngày.

Cùng với bệnh SXH, cũng theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến 10/2, thành phố có 987 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị, 386 ca bệnh tay chân miệng.

Theo BS. Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM), hiện bệnh sởi đã có mặt tại tất cả 24 quận, huyện, trong đó số ca mắc sởi tập trung nhiều nhất là ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Quận 7, huyện Bình Chánh... Đặc biệt, qua khảo sát, 95% trường hợp mắc sởi chưa được tiêm vaccine phòng sởi.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Về nguyên nhân gia tăng các bệnh truyền nhiễm nói trên, BS. Lê Hồng Nga cho rằng, thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi là lúc dịch bệnh có xu hướng gia tăng. Cùng với đó, do có sự biến động về di cư trong đợt nghỉ Tết nên dịch bệnh càng có điều kiện lây lan và bùng phát. Tag: Dich vu diet con trung

Để chủ động phòng chống SXH, người dân cần có nhận biết đúng về bệnh.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. SXH được chia làm 3 thể, đó là SXH thể nhẹ, SXH chảy máu và SXH Dengue (hội chứng sốc Dengue).

SXH thường bắt đầu với triệu chứng sốt, sốt cao và sẽ kéo dài 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như: Nhức đầu nghiêm trọng, đau phía sau mắt, đau khớp và cơ, buồn nôn và nôn, phát ban. Các ban SXH có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày.

Triệu chứng SXH có chảy máu: Ngoài các biểu hiện như SXH thông thường, ở dạng SXH có chảy máu người bệnh sẽ bị tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

Còn thể SXH Dengue - dạng nặng nhất của bệnh SXH, ngoài các biểu hiện của bệnh SXH thể nhẹ, các triệu chứng chảy máu, sẽ kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc. Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu gần đây bạn có đến một nơi đang có dịch bệnh và bị sốt sau đó thì hãy đi khám ngay.

Với người lớn, khi bị SXH, có 2 dạng thường gặp là SXH biểu hiện ra bên ngoài và SXH nội tạng. Dạng SXH có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày. SXH ở người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…

SXH gây xuất huyết não cũng rất khó nhận biết, vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, thông thường người bệnh bị sốt, đau đầu, bị liệt có thể liệt tay, chân hoặc liệt nửa người và sau đó bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong.

BS. Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Bệnh nhiệt đới TPHCM), điều nguy hiểm của SXH là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận…

Các bác sĩ khuyến cáo: Diệt muỗi và diệt lăng quăng là biện pháp chủ động phòng bệnh hữu hiệu và đơn giản nhất. Hiện các địa phương có bệnh nhân SXH đang phun xịt diệt muỗi và khống chế ổ bệnh.

Những người có dấu hiệu bị bệnh SXH nên đến các cơ sở y tế quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách. Không tự ý điều trị tại nhà.

Còn đối với bệnh sởi đang có xu hướng quay trở lại trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa vaccin sởi đầy đủ 2 mũi ở thời điểm 9 tháng và 18 tháng.

Trẻ mắc bệnh sởi cần được cách ly. Người lớn và trẻ nhỏ cần rửa tay sạch với xà phòng để hạn chế bệnh sởi lây lan trong cộng đồng.

Nguồn: baochinhphu.vn/suc-khoe/mien-nam-sot-xuat-huyet-chua-ha-nhiet-soi-gia-tang/359123.vgp