Có thể nói, phần lớn các trường ĐH Việt Nam được thành lập trong thời gian qua là các trường trực thuộc địa phương được nâng cấp từ các trường CĐ. Nhiều trường có quy mô nhỏ, đào tạo đơn lĩnh vực, đơn ngành, hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo thấp, khó cạnh tranh trong nước, chưa nói là với các trường trong khu vực.
Xem thêm:


* Bộ GD-ĐT từng đưa ra yêu cầu "ba công khai" với các trường ĐH, đặc biệt là công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố chuẩn đầu ra, công bố kết quả kiểm định chất lượng nhưng thực tế vẫn mù mờ, thiếu sự kiểm soát. Liệu rằng "bộ chỉ số" của nhóm nghiên cứu khi áp dụng có rơi vào tình cảnh "công bố mù mờ, không trung thực"?
- Trước đây, việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng có đưa ra các chỉ số nhưng chưa có phân loại, còn thông tin về chuẩn đầu ra và sự cam kết chất lượng thực tế thiếu các chỉ số định lượng liên quan tới chất lượng và hiệu quả đạt được.
Kết quả kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo cũng chỉ dừng ở mức độ đạt và không đạt, nhưng cũng thiếu các chỉ số định lượng và phân mức. Chu kỳ kiểm định trường thường là 5 năm và không dễ gì tất cả các trường cùng hoàn thành kiểm định trong chu kỳ này.
Vì thế kết quả kiểm định khó phản ánh kịp thời thực trạng về chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi trường.
Yêu cầu của nhóm nghiên cứu khi xây dựng bộ chỉ số là phải đưa ra được các chỉ số đơn giản có tính định lượng và có thể phân mức rõ ràng để xã hội cùng giám sát được. Khi toàn bộ thông tin này được công khai, các trường phải chịu trách nhiệm với công bố của mình.
Dĩ nhiên, cơ quan quản lý nhà nước vẫn thực hiện vai trò giám sát, thanh tra - kiểm tra và có cơ chế thẩm định để đảm bảo thông tin các trường cung cấp là chính xác và khách quan. Nhưng giám sát xã hội, giám sát của người học rất quan trọng trong việc tạo nên uy tín, sự tồn tại của trường.
Tính cạnh tranh giữa các trường cũng vì thế sẽ tăng hơn.
Tự chủ ĐH chưa phải "chìa khóa" chất lượng
* Theo ông, việc sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường ĐH có tác động thế nào đến tiến trình thực hiện tự chủ ĐH - yếu tố đang được xem như "chìa khóa" thúc đẩy chất lượng?
- Phải nói rằng việc sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường ĐH và tiến trình thực hiện tự chủ ĐH có tác động qua lại lẫn nhau. Quy hoạch, sắp xếp để hệ thống minh bạch, phân tầng và phân loại rõ nét, Nhà nước và xã hội có định hướng đầu tư tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn tự chủ ĐH.
Ngược lại, thực hiện tự chủ ĐH cũng tạo ra sự phân cực mạnh mẽ hơn trong hệ thống, thúc đẩy quá trình sắp xếp, sáp nhập và hợp nhất để hình thành các ĐH giúp các trường có quy mô lớn hơn, tiềm lực mạnh hơn. Đồng thời các trường yếu kém sẽ khó có khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển.