“Một đời doanh nhân bước chân về muôn trùng” dù có “ lạnh lùng hào hoa giấu đi niềm sâu kín” thì ai đó có thể vẫn để lại những dấu ấn tạo nên bản sắc của riêng mình hay nói theo “phong cách thị trường” đó là Thương hiệu cá nhân. Doanh nhân Bùi Văn Quân – Chủ tịch Tập đoàn Anh Quân Strong cũng vậy: Điều dễ thấy ở ông đó là bản lĩnh cũng với phẩm chất “đại ca” đúng chất đầy trách nhiệm và đáng kính trọng… tháp doanh nhân

Hà Lê

Mấy ngày nữa là tới ngày 13/10 – “Ngày doanh nhân Việt Nam” thế mà hẹn mãi chúng tôi mới gặp được ông Bùi Văn Quân – Chủ tịch Tập đoàn Anh Quân Strong nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại trụ sở tạm của Tập đoàn cạnh THÁP DOANH NHÂN sừng sững đang ở giai đoạn hoàn thiện công phu. Thật ra, trong giới doanh nhân cũng như rất nhiều người từng biết đến ông với những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Nhưng nhìn cách nào thì khi gặp ông chắc hẳn lại càng tâm đắc với ca khúc “ Đời doanh nhân” của nhạc sỹ Trần Tiến với những ca từ: “ Chí không cao sao cùng thế giới/ Dân không giàu sao mà nước mạnh/ Lòng không bền sao làm doanh nhân…”.



Từ kiếm 2 xu đến 5-6 cây vàng một ngày
Trò chuyện cùng ông mới hay ông sinh năm 1969 là con út và sinh ra trong gia đình có tám anh chị em và không phải là gia đình có truyền thống kinh doanh. Có tố chất kinh doanh từ bé nên ngay từ lớp 6 cậu con trai út đã trở thành trụ cột kinh tế của cả nhà. Cả bố và mẹ ông đều từng tham gia bộ đội cụ Hồ. Quê nội ông ở Dương Nội nay thuộc Quận Hà Đông còn quê ngoại lại ở làng Thụy Khuê, nơi có Hồ Tây đầy chất thơ. Thú vị là những kỷ niệm về quê ngoại, Hồ Tây của ông không gắn với mặt nước mờ sương cùng bầy sâm cầm nhỏ hay những thuyền con vịt lượn lờ trên mặt hồ những ngày hè oi ả mà lại gắn với một vài kỷ niệm biết “kiếm tiền” của ông thời “mầm non”. Ông kể, mọi người vẫn nhắc đến chuyện cậu bé mới 5-6 tuổi từ Dương Nội ra nhà bà ngoại đã biết xung phong trông chừng cho mấy bác chuyên “hách” cá ở Hồ Tây để được “trả công” bằng tiền… Hồi đó chỉ trả 2 xu cho một lần trông thôi nhưng cậu bé rất tự hào và rất vui.

Vẫn theo lời ông, ngay khi vào cấp ba, tư duy và lý tưởng của cuộc sống của ông đã được định hình. Thời gian đó đất nước đã hoàn toàn thống nhất nhưng kinh tế đất nước vẫn đang rất khó khăn mà nhiều người vẫn nhắc lại với bao kỷ niệm buồn vui của một “thời bao cấp”.

Nếu như lớp đàn anh “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai!” thì nay với lớp đàn em kế cận, ông đã có những suy nghĩ hình thành nên những chân lý để mình đeo đuổi khi vào đời. “Tôi luôn tâm niệm hãy làm sao để khi một người gặp mình, họ cảm thấy đó là niềm vui, là may mắn hơn. Còn ngược lại, nếu ai đó sau khi gặp mình họ cảm thấy xui xẻo, buồn bực, tức giận thì đó chính là thất bại của mình. Với người sinh thành ra mình thì dù có như thế nào đi chăng nữa thì bố mẹ là người mình phải luôn luôn kính trọng, chăm sóc. Còn đã lấy vợ, có con thì phải có trách nhiệm đến cùng. Và đã là đấng nam nhi thì cần phải có sự nghiệp, khẳng định mình bằng sự nghiệp”.

Nhớ lại hình ảnh chàng thanh niên ngày đầu khởi nghiệp đã một mình đạp xe từ Hà Đông lên Bắc Cạn để bán kem, quần áo, nhu yếu phẩm thiết yếu cho đồng bào dân tộc rồi chiều ngược lại là các mặt hàng “đặc sản” miền núi mới thấy lòng kiên trì và sự đam mê làm kinh doanh của ông. Học hết cấp 3 ông đã tự quyết định hướng cho mình vào công việc kinh doanh để kiếm tiền. Đây cũng chính là sự nhạy cảm bắt nhịp của ông với sự đổi mới tư duy sau thời bao cấp. Lúc này, câu “Phi thương bất phú” đã được nhìn nhận một cách nghiêm túc theo hướng tiến bộ hơn. Với suy nghĩ kinh doanh thành công, doanh nghiệp sẽ tạo ra công việc giúp hàng nghìn, chục nghìn người lao động thay vì chỉ cho riêng mình, ông quyết định bỏ học rời Trường đại học kinh tế quốc dân để lao vào thương trường. Hầu như ông dễ dàng cảm nhận làm cái gì sẽ ra tiền mà nói theo ngôn ngữ bây giờ là dự đoán được xu thế của thị trường. Nhìn thấy nhiều nhà máy như Cao su sao vàng, Thuốc là Thăng Long… đang sử dụng than đá để sản xuất ông quyết đi Quảng Ninh tìm than về bán. Thật ít ai nghĩ ông chủ buôn than lúc đó mới 18-19 tuổi, mới đầu chỉ dám buôn vài chuyến than bằng ô tô mà một thời gian ngắn sau đã gan lớn thành công đến mức phải thuê hẳn cả xà lan để chở hàng ngàn tấn than về Hà Nội, đi các tỉnh bán.


Khi sang Trung Quốc nhập len về sản xuất áo len xuất đi Hồng Công và các nước Đông Âu ông thấy người Trung quốc làm xi đánh giầy nước rất tiện. Thế là ông về tìm cách sản xuất xi đánh giày, làm lót giày, phụ kiện liên quan đến giày… cứ thế sản phẩm xi lót giày “Anh Quân” trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước, trở thành một trong những khách hàng đầu tiên quảng cáo trên đài truyền hình việt nam bên các nhãn hàng nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ. Cũng rất thú vị khi biết vào năm 1993 -1994 ANH QUÂN còn chế tạo cả xe công nông cạnh tranh ngang ngửa với hai thương hiệu nổi tiếng về loại xe này năm đó ở miền Bắc là Hoa mai và Chiến Thắng. Đơn giản khi đi tìm nguồn, thị trường ở hai tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc của Trung Quốc ông nhìn ra thế mạnh của loại xe này ở đây. Ông học hỏi và đưa về sản xuất ở Việt Nam.

>> https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thap-doanh-nhan-ban-can-ho-tang-khong-gian-mo-20200728103227509.htm