Lịch sử ra đời đồng hồ đeo tay

Chiếc đồng hồ đeo tay ra đời từ khi nào chắc cũng là câu hỏi của nhiều người . Vậy bài viết dưới đây sẽ giúp một số bạn hiểu được lịch sử của chiếc đồng hồ đeo tay .

Vào một buổi sáng đẹp trời, một thiếu phụ trông con trong công viên tại Genève đã quấn một chiếc đồng hồ đeo cổ chung quanh cổ tay để xem chừng giờ giấc. Bất chợt lúc đó có một anh thợ đồng hồ đi qua và trông thấy, khiến anh ta nẩy ra ý nghĩ chế tạo thứ đồng hồ đeo tay đầu tiên. Một giả thuyết khác lại cho rằng thủy tổ của loại đeo tay chính là chiếc đồng hồ thời trang của Nữ Hoàng Elizabeth I. Bá Tước Leicester, kỵ sĩ của Nữ Hoàng, đã tặng nhà Vua một chiếc đồng hồ tròn gắn trên chiếc vòng nạm đầy kim cương vào ngày đầu năm 1572.

Sự ra đời của đồng hồ đeo tay cũng không khiến mọi người quan tâm cho mãi tới năm 1806, Hoàng Hậu Joséphine de Beauharnais đã tặng cho cô con dâu là công chúa xứ Bavière hai cái vòng nạm ngọc trai và ngọc bích, trên một trong hai chiếc vòng này có gắn một chiếc đồng hồ rất nhỏ. Hai món kỷ vật đặc biệt này đều do nhà kim hoàn Nitot tại thành phố Paris thực hiện.

Tuy đồng hồ đeo tay đã ra đời nhưng nhiều người chỉ ưa thích loại đeo cổ vì nó vừa là một món trang sức, vừa là biểu hiệu của những người khá giả. Tới năm 1880 Bộ Hải Quân Đức mới nhận thấy rằng đồng hồ đeo tay là một vật dụng hữu ích cho các sĩ quan. Bộ liền đặt làm một lô đồng hồ đeo tay và các sĩ quan Hải Quân Đức là những người đầu tiên đeo loại đồng hồ này. Những đồng hồ đeo tay vào thời đó được làm bằng vàng tây, có mặt to, kim to và dây deo cũng bằng kim loại.

Sau loạt đặt hàng của Hải Quân Đức, các nhà sản xuất đồng hồ mới nghĩ tới việc tung loại đeo tay ra thị trường. Những đồng hồ thương mại này bằng vàng, có nạm ngọc và nhỏ hơn thứ của các sĩ quan Hải Quân một chút. Sau đó đồng hồ đeo tay của đàn bà cũng được sản xuất với những chạm chổ tinh vi. Nhưng mặc dù là một sản phẩm mới, đồng hồ đeo tay vẫn không được mọi người ưa chuộng và nhà sản xuất Girard phải cho xuất cảng thứ đó sang Chili bên châu Mỹ. Tuy nhiên tại xứ Chili, tình trạng còn bi đát hơn vì dân chúng không cần biết tới thời giờ và nếu có ai dùng đồng hồ thì cũng đều cảm thấy bất tiện khi đeo nó tại cổ tay mà làm việc. Đồng hồ đeo tay vì thế lại được đưa sang bán tại Bắc Mỹ và nó vẫn chịu số phận ế ẩm như trước.

Mãi tới năm 1902 và mặc dù đồng hồ đeo tay không được ai đòi hỏi, ông Wilsdorf, một nhà sản xuất đồng hồ tại Thụy Sĩ, cứ cho xuất cảng loại này sang nước Anh vì ông nhận thấy tầm quan trọng của nó. Nhưng tình trạng cũng chẳng khả quan hơn và người Anh còn cho rằng đồng hồ có thể bị liệt máy vì các chuyển động thông thường của cánh tay.

Đồng hồ đeo tay đã chịu số phận hẩm hiu tới năm 1927 để rồi một sự tình cờ khiến cho mọi người phải chú ý tới nó. Nguyên một cô thư ký đánh máy trẻ tuổi tên là Mercédès Gleitze có ý định bơi qua biển Manche và cô đã thành công trong ngày 7/10/1927. Thành tích của cô Gleitze không phải là mới lạ vì vào thời bấy giờ, đã có nhiều người đàn bà vượt biển trước cô. Nhưng đám người đón cô Gleitze trên bờ đã ngạc nhiên khi thấy cô đeo đồng hồ nơi cổ tay mà họ tưởng rằng cô đã quên chưa cởi nó ra trước khi xuống nước. Nếu vậy chiếc đồng hồ này đã bị hư hỏng vì nước biển ngấm vào.

Khi trả lời về chiếc đồng hồ này, cô Gleitze đã phá lên cười. Cô cho mọi người biết đó là thứ không ngấm nước và cô dùng nó để xem giờ lúc đang bơi. Ngày hôm sau, tờ báo Daily Mail đăng tải bài tường thuật mà không quên nói về chiếc đồng hồ đặc biệt của cô Gleitze. Tin hấp dẫn chưa hề có này khiến mọi người phải chú ý và dân tộc Anh là giống ngươi ưa chuộng thể thao lại càng lấy làm thích thú. Họ liền đua nhau mua đồng hồ đeo tay để dùng khi chơi dã cầu, lúc đua ngựa hay khi đi câu cá. . . Từ đó, đeo đồng hồ ở tay trở thành một thứ phong trào. Lớp người dùng đồng hồ đeo tay ngày một nhiều và đến năm 1937, đồng hồ đeo tay đạt tới mức thành công kỷ lục. Kỹ thuật chế tạo đồng hồ đeo tay càng ngày càng phát triển, tinh vi hơn, để tiến từ loại không ngấm nước tới loại không bị ảnh hưởng của từ tính, của sự va chạm và cũng có loại tự động lên dây.


Tại Hoa Kỳ, chiếc đồng hồ loại lớn đầu tiên được chế tạo cho thành phồ New York là vào năm 1716 rồi vào năm 1753, một chiếc đồng hồ khác được gắn bên trong Sảnh Đường Độc Lập (the Independence Hall) của thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Sau Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ (1775/1783), đồng hồ được sản xuất khá nhiều. Vào thập niên 1800, Simon Willard của tỉnh Roxbury, tiểu bang Massachusetts và Eli Terry của tiểu bang Connecticut là những người xin bằng sáng chế về 2 loại đồng hồ đặc biệt (gọi là banjo clock và pillar-and-scroll clock). Cũng vào thời gian này, Seth Thomas thiết lập Công Ty Đồng Hồ (the Seth Thomas Clock Company) tại tỉnh Thomaston, thuộc tiểu bang Connecticut. Công ty này đã trở thành một trong các cơ xưởng sản xuất đồng hồ lớn nhất Thế Giới vào giữa thế kỷ 20.

Trong thập niên 1920, người ta thấy xuất hiện loại đồng hồ dùng giòng điện xoay chiều (electric clock). Vào thời kỳ này, loại đồng hồ điện có thể sai vài giây trong một ngày nên chỉ thích hợp với việc xử dụng trong nhà. Trái lại trong các phòng thí nghiệm vật lý và tại các đài thiên văn, thời gian cần được tính đúng từng phần ngàn của giây và có khi cả phần tỉ của giây, vì vậy vào năm 1929 các nhà khoa học đã áp dụng tính chấn động của tinh thể thạch anh (quartz) vào phương pháp chế tạo đồng hồ. Nhờ thạch anh, đồng hồ loại mới này (quartz-based clock) có thể chạy sớm hơn hay chậm hơn chừng 2 phần ngàn của giây trong một năm.

Vào năm 1948 Nha Đơn Vị Mẫu (The National Bureau of Standards) của Hoa Kỳ đã thành công trong việc chế tạo đồng hồ nguyên tử (atomic clock) dùng chấn động của nguyên tử ammôniac với tần số 23,870 mégacycles. Sự chính xác của thứ đồng hồ này lên tới một phần 100 triệu.

Về sau vào năm 1955, Tiến Sĩ Charles H. Townes thuộc trường Đại Học Columbia, Hoa Kỳ, đã chế tạo được thứ đồng hồ có tên gọi là ammonia maser. Loại đồng hồ này chỉ có thể chạy sai 1 giây trong 2 thế kỷ. Tại Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT), Tiến Sĩ Jerrold R. Zacharias đã thành công về chiếc đồng hồ nguyên tử dùng chất Cesium (cesium atomic clock). Tiến Sĩ Zacharias đã tính rằng nếu thứ đồng hồ này chạy từ thời Chúa Cứu Thế tới ngày nay, nó sẽ nhanh hay chậm ½ giây đồng hồ.

Do đà tiến triển về kỹ thuật, các nhà khoa học tin rằng áp dụng quan trọng nhất của đồng hồ nguyên tử là sự thiết lập một mẫu mực về thời gian và mẫu này hoàn toàn độc lập với chuyển động của trái đất và các vì sao.