Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ cho rằng: Chủ trương "không mua bản quyền ngoại hạng Anh bằng mọi giá" của Bộ TT&TT là chủ trương tốt nhưng công văn của Bộ TT&TT phát hành vào thời điểm đã bỏ thầu vòng 1 nên khó có thể làm gì ở vòng đấu thầu trực tiếp.

Câu chuyện các đơn vị truyền hình tiếp tục chạy đua giành giật bản quyền phát sóng ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải 2016 - 2019 tiếp tục làm nóng giới truyền thông.

Trả lời phỏng vấn ICTnews về quan điểm của K+ đối với văn bản của Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải tập trung về một mối để mua bản quyền ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 (EPL), không được tranh giành mua bằng mọi giá, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV), đơn vị sở hữu thương hiệu truyền hình số vệ tinh K+ cho rằng: đây là chủ trương tốt và mua bản quyền với giá hợp lý là điều mà tất cả các đơn vị có nhu cầu mua bản quyền mong muốn. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế và giải pháp cụ thể thì vô hình chung chủ trương này lại hạn chế cơ hội đối với các đơn vị trong nước khi tham gia thầu, tạo cơ hội cho các đơn vị trung gian mua được bản quyền. Khi đó, các đơn vị trong nước phải mua lại bản quyền thông qua các đơn vị trung gian với chi phí cao hơn.

Ông Công cũng cho biết, mùa giải mới này, K+ nỗ lực tối đa để có thể tiếp tục cung cấp cho các thuê bao của mình giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh này. VSTV cũng như các doanh nghiệp trong nước phần nào bị hạn chế bởi chủ trương phải kết hợp để mua bản quyền và không mua EPL bằng mọi giá.

“Rất tiếc là chủ trương này được thông báo quá muộn tới các đơn vị. Khi các đại lý mua được bản quyền sau vòng 1 thì khó khăn và thiệt thòi với các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn khi tham gia vòng 2 vì lúc đó mức giá thông qua đại lý trung gian sẽ bị đội lên nhiều’, ông Công nhấn mạnh.

Khi được hỏi, K+ có tính đến việc hợp tác với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác để cùng nhau mua và chia sẻ quyền phát sóng bản quyền ngoại hạng Anh hay không? Ông Công cho hay, K+ cũng chỉ là một trong những đơn vị tham gia mua bản quyền nên khó đứng ra tập hợp được tất cả các nhà đài và các đơn vị kinh doanh bản quyền khác như VTVcab (không phải nhà đài). Hơn nữa, công văn của Bộ TT&TT phát hành vào thời điểm đã bỏ thầu vòng 1, khó có thể làm gì ở vòng đấu thầu trực tiếp.

Kinh nghiệm của những năm trước cho thấy là việc kết hợp sẽ gặp hai khó khăn, đó là: Các đơn vị rất khó thống nhất được cơ chế mua và phân chia quyền, chi phí do nhu cầu và khả năng tài chính khác nhau. Bên cạnh đó, chính sách thương mại của EPL là bắt buộc đại lý trung gian phải bán gói độc quyền nên trên thực tế việc bắt tay nhau chỉ có thể thực hiện ở gói không độc quyền và các đơn vị vẫn phải tự canh tranh đi mua gói độc quyền.

Mới đây, K+ cũng lên tiếng phản ứng việc một số bài báo đưa tin về việc bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 - 2019 có đăng tải thông tin “Ông Jacques Aymar khẳng định chỉ cần K+ có gần 1 triệu thuê bao, sẽ đạt tới điểm hòa vốn”, là thông tin không chính xác. Vì đến thời điểm tháng 6/2015, K+ đã đạt điểm hòa vốn khi cán mốc 850.000 thuê bao.

Thời gian gần đây, vấn đề chạy đua để giành giật bản quyền phát sóng truyền hình ngoại hạng Anh lại tiếp tục nóng trên truyền thông. Đầu tháng 11, Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền trên cả nước cùng phối hợp trong việc đàm phán, mua bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh trên tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí.

Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền trong cả nước cùng đoàn kết, vì lợi ích chung và quyền lợi của người xem truyền hình phối hợp chặt chẽ, chủ động trong đàm phán bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh trên tinh thần không chấp nhận mua bản quyền bằng mọi giá. Các đơn vị phát thanh - truyền hình cần hạn chế tối đa việc thông qua đối tác trung gian làm tăng giá bản quyền và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác như ép giá, độc quyền... để tránh bị mất kiểm soát, buộc phải chấp nhận những yếu tố bất lợi khi mua bản quyền.

Bộ cũng đề nghị Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình và các đơn vị có liên quan đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm từ các mùa giải trước, chủ động sớm hình thành Ban đàm phán mua bản quyền giải ngoại hạng Anh. Trong đó, bao gồm các thành viên là một số đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền có nhu cầu mua bản quyền giải bóng đá hấp dẫn này.
Internet truyền hình cáp